Điện thoại: 08.66756226
Hotline: 0938963039

Một nông dân chi 1,6 tỷ đồng học thuộc da cá sấu


“Tôi cấp ca cấp củm mang tấm da cá sấu đẹp nhất của trang trại mình lặn lội sang Ý chào hàng. Sau khi xem sản phẩm của tôi, các đối tác người Ý không nói gì, họ lẳng lặng mang tấm da cá sấu của họ ra đặt lên bàn, tôi không biết diễn tả cảm giác lúc ấy thế nào, có lẽ là vừa xấu hổ vừa buồn cười cho chính mình khi thấy tấm da của họ mềm mại, bóng đẹp như dải lụa còn tấm da của mình chẳng khác gì… bao bố.

Một nông dân chi 1,6 tỷ đồng học thuộc da cá sấu

Từ đó tôi luôn trăn trở phải có công nghệ thuộc da Ý,chỉ vậy mới có cơ hội quay lại làm ăn với họ. Và tôi đã đi tìm thầy…” - ông Trần Văn Nga, chủ trang trại cá sấu Tồn Phát (Củ Chi, TP.HCM) cho biết.

Thời của cá sấu

Vào những năm 1987, tại VN cá sấu chỉ là loài động vật nuôi chơi, không có giá trị kinh tế (giá một con cá sấu đẻ lúc ấy còn rẻ hơn giá một con bò) nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây nghề nuôi cá sấu trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, sản lượng cá sấu tại TP.HCM tăng vọt từ 10.000 con lên trên 50.000 con.

Mới đây, UBND TP.HCM đã chọn cá sấu làm vật nuôi phát triển kinh tế và là sản phẩm biểu trưng cho ngành nông nghiệp TP. Trong văn bản chỉ đạo chương trình phát triển cá sấu TP đến năm 2010 gởi các cơ quan chức năng, DN có liên quan đến ngành nghề cá sấu, ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Việc nuôi cá sấu đã đem lại thu nhập cao gấp 3 lần trên cùng diện tích nông nghiệp và gấp 5 lần về năng suất lao động bình quân của cả TP”.

Tuy kết quả kinh doanh từ việc nuôi cá sấu được đánh giá cao như vậy song tình trạng kinh doanh, mua bán diễn ra trong ngành nghề cá sấu tại VN lâu nay chưa phải là giải pháp căn cơ, lâu dài. Theo ông Trần Văn Nga, hiện việc xuất khẩu cá sấu của các trang trại chủ yếu là xuất nguyên con theo đường tiểu ngạch (xuất sang Trung Quốc). Còn xuất khẩu da cá sấu thì bí đầu ra vì da của chúng ta vừa xấu vừa không chuyên nghiệp (số lượng, cỡ mẫu (size) không đồng đều). Sản phẩm da cá sấu VNtiêu thụ tại thị trường nội địa cũng còn quá ít (10-20% sản lượng cá sấu) vì sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, thị hiếu người tiêu dùng.

“Da là sản phẩm có giá trị nhất trên mình cá sấu, mình kinh doanh trong nghề mà không thể cho ra đời những tấm da cá sấu đẹp luôn làm tôi trăn trở. Sau khi trông thấy những tấm da tuyệt đẹp của đối tác nước ngoài tôi cứ bị ám ảnh hoài cớ sao họ làm được mà mình không làm được? ” - ông Nga nói.

Tầm sư học... thuộc da

Và sau lần “hớ hàng” tại Ý, ông Nga đã tìm đến Hội thuộc da công nghiệp Ý để tìm hiểu, xin danh sách các DN làm ăn trong ngành và lặn lội đi thực tế. Vất vả lắm, cuối cùng ông cũng tìm ra một người thầy có hơn 40 năm kinh nghiệm thuộc da.

“Ổng ra giá học phí là 100.000USD (gần 1,6 tỷ đ), không kể chi phí đi lại, nuôi ổng ăn ở 1 tháng tại VN khi ổng qua đây truyền nghề. Ổng bảo giá này không thương lượng được nữa, lẽ ra ổng chỉ truyền nghề cho con nhưng cô con gái ổng không có đam mê nghề này. Tôi đã gặp nhiều người trong ngành thuộc da Ý nhưng tôi chọn ổng vì qua tìm hiểu tôi thấy sản phẩm do ổng làm ra được khách hàng Ý ưa chuộng” - ông Nga kể lại.

Hiện ông Nga đang ráo riết đầu tư nhà xưởng và nhập máy móc thuộc da cần thiết để tháng 7/05 tới đưa thầy Ý về truyền công nghệ thuộc da cho mình. Tồn Phát là trại cá sấu đầu tiên tại VN tính đến việc chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh cá sấu, bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị và chấp nhận “mua” bí quyết thuộc da với mức giá gần 1,6 tỷ đồng. Hiệu quả của việc đầu tư này ra sao?Được biết, hiện các công ty thuộc da tại VN cũng nhận dạy nghề kỹ thuật thuộc da với mức học phí chỉ khoảng 150 triệu đồng, rẻ hơn thầy “ngoại” cả chục lần. Song ông Nga thừa nhận mình đã từng học thuộc da từ các DN trong nước nhiều lần, kết quả là vẫn không xuất được hàng, do vậy lần này ông Nga quyết không tiếc tiền.

Theo ông Nga, có công nghệ sản xuất, thuộc da chuyên nghiệp không chỉ là tăng lợi nhuận mà còn là phương pháp để xuất khẩu hàng một cách chính thống, lâu bền, da cá sấu thô hiện có giá khoảng 4 USD/cm nhưng với da đã thuộc thì phải là 6 USD/cm, giá trị tăng lên 1,5 lần.

Vốn xuất thân từ một gia đình nông dân ở Tây Ninh, theo cha mẹ vào rừng làm nương rẫy từ nhỏ nên ông Nga rất mê các loại động vật hoang dã. Trang trại Tồn Phát của ông không chỉ có cá sấu mà còn rất nhiều con vật khác như trăn, gấu… và mỗi chiều có hàng ngàn con cò tự do bay đến kiếm ăn, ngủ nhờ trong vườn. Ông Nga cho biết mình đến với nghề nuôi cá sấu rất tình cờ, chỉ là nuôi “cho vui” nhưng không ngờ sau nhiều năm nghề nuôi cá sấu lại có giá như vậy.

Tuy vậy, ông Nga vẫn không chịu hài lòng với những gì mình đang có mà quyết tâm tìm vị thế cho cá sấu TP.HCM. Việc tầm sư học đạo của ông Nga như một sự mở màn đầy ý nghĩa cho sự phát triển thương hiệu cá sấu VN.

  • Bài: Nguyễn Sa
Việt Báo (Theo_VietNamNet)

Tin khác



Copyright © 2012 www.casaucaocap.com

Công ty TNHH MTV Thời Trang NGỌC NHƯ Ý
www.casaucaocap.com - Website DA CÁ SẤU số 1 Việt Nam

Trụ sở chính: 334A đường An Phú Tây, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Email: krokodilvietnam@gmail.com